HOANGKIMPHUC-CHI-X-QUANG111

Liều bức xạ với con người

Hỏi: Quy định trung bình về liều bức xạ tự nhiên của một người mỗi năm là bao nhiêu? Hoàng Lê Minh (Phú Thọ).

PGS.TS Trần Thanh Minh, Viện Năng lượng Nguyên tử cho biết: Liều bức xạ là đại lượng tính đến tổng năng lượng bức xạ được hấp thụ bởi tế bào sống trong cơ thể con người và mức độ ảnh hưởng sinh học mà nó gây ra.

Đơn vị đo liều bức xạ là Sievert (Sv). Liều bức xạ trung bình đối với một người là từ 1 – 2mSv/năm. Bức xạ trong nhà trung bình tạo ra liều bổ sung khoảng 1 – 3mSv/năm. Ở những ngôi  nhà bị ảnh hưởng nặng thì liều ở đó có thể cao hơn từ 10 – 100 lần.

Mỗi lần đi chụp X-quang, người chụp thường phải chịu liều từ 0,2 – 5mSv. Vì thế, mỗi năm chúng ta chỉ nên chụp X-quang tối đa 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng để đảm bảo an toàn cho sức khoẻ. Tác động của bức xạ đến các tế bào sống trong cơ  thể người là rất kinh khủng.
PV (ghi)

Sống chung với bức xạ tự nhiên

Theo các chuyên gia, con người hàng năm vẫn phải chịu một nguồn bức xạ tự nhiên. Tuy chưa thể kết luận cụ thể mức xạ này ảnh hưởng đến sức khoẻ thế nào nhưng tốt nhất nên biết cách giảm thấp mức xạ một cách hợp lý.

Ở đâu cũng có bức xạ tự nhiên!

Sau khi tìm hiểu và tập hợp số liệu từ nhiều nước trên thế giới, tổ chức quốc tế UNSCEAR đã đưa ra con số về phông phóng xạ trung bình toàn cầu là 2,4mSv/năm.

Theo TS Hoàng Anh Tuấn, Trưởng ban Kế hoạch và Quản lý khoa học (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), đây là con số trung bình một năm mỗi người sống trên hành tinh đều nhận một liều bức xạ tự nhiên.

Nguồn bức xạ tự nhiên có từ cây, cỏ, hoa lá, không khí, nhà ở, thực phẩm… do các đồng vị (nguyên tố) phóng xạ sinh ra mà mắt thường không thể nhìn thấy được. Phóng xạ này có từ ngàn xưa đến nay và ảnh hưởng đến con người từ đời này sang đời kia.

Nguồn bức xạ tự nhiên có từ cây, cỏ, hoa lá, không khí, nhà ở, thực phẩm… do các đồng vị (nguyên tố) phóng xạ sinh ra mà mắt thường không thể nhìn thấy được.

“Đặc biệt, trong bức xạ tự nhiên có đến 1/2 là khí radon được sinh ra từ đất và lẫn vào không khí. Con người hít khí radon vào tạo ra phóng xạ con người, sau đó khí này lại đâm từ cơ thể ra ngoài tự nhiên”, TS Tuấn giải thích.

Còn theo ông Lê Quang Hiệp, Phó cục trưởng Cục an toàn bức xạ, hạt nhân (Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam), bức xạ có mặt khắp mọi nơi, mọi lúc.

Có thể chia ra hai loại bức xạ chính là bức xạ ion hóa có năng lượng cao phát ra từ máy X-quang, máy gia tốc… và bức xạ tự nhiên có nguồn từ Mặt Trời, nhà ở…  Việc tồn tại của bức xạ tự nhiên là điều đương nhiên, còn các loại bức xạ ion hóa hiện nay Nhà nước đang kiểm soát rất chặt chẽ.

Không thể không có bức xạ!

Theo TS Anh Tuấn, mức phông 2,4mSv/người/năm là con số mang tính xác suất, phông thấp của môi trường. Tuỳ vào vùng sinh sống mức bức xạ này có thể cao hoặc thấp hơn.

Theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, với mức 2,4mSv/người/năm không xảy ra hiệu ứng gì với sức khoẻ. Tuy nhiên, khả năng ít ảnh hưởng tốt hoặc xấu đối với sinh vật (cả con người lẫn thực vật) là vẫn có. Nếu ảnh hưởng tốt, bức xạ này có thể giúp sinh vật khoẻ hơn, cao lớn hơn. Nếu ảnh hưởng xấu có thể khiến sinh vật  còi cọc, yếu hơn.

“Tất cả chỉ mang tính xác suất với rất nhiều cá thể và phải ảnh hưởng trong thời gian dài từ đời này qua đời khác”, TS Tuấn cho hay.

Cũng theo vị chuyên gia này, ở những vùng cao hay duyên hải của Việt Nam, mức bức xạ tự nhiên có thể lên đến 5 – 7mSv/năm/người. Người dân ở đây vẫn sống và không phát hiện ra con người bị bệnh tật.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phan Trường Thị, nguyên giảng viên địa chất trường Đại học Quốc gia cho biết, mức phóng xạ tự nhiên hiện nay rất nhỏ, cao cũng chỉ khoảng từ 15 – 30MicroRăngghen, so với quy định độ phóng xạ đạt đến 80MicroRăngghen mới có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì thế, người dân không nên quá hoang mang, lo lắng.

Con người không thể không chịu ảnh hưởng của nguồn bức xạ tự nhiên nhưng biết cách giảm thấp mức này một cách hợp lý vẫn là cách tốt nhất. Người dân nên để nhà cửa thoáng gió, không đóng cửa suốt ngày. Hạn chế nằm lâu trên nền nhà để giảm khí radon sinh ra từ đất. Tránh ở lâu trong hầm kín, hầm phải có thông gió…

“Phóng xạ tự nhiên hiện chưa có trong pháp lệnh quản lý. Đây là một vấn đề mới, rộng đang trong quá trình nghiên cứu đánh giá. Vì thế, vẫn chưa thể có kết luận bức xạ tự nhiên có ảnh hưởng cụ thể đến sức khoẻ con người như thế nào và  cách phòng tránh ra sao vẫn là câu hỏi lớn”, ông Lê Quang Hiệp.

Thu Hiền

Đẩy bức xạ ra khỏi nhà

Theo khuyến cáo của Ủy ban Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, giới hạn nồng độ radon có ảnh hưởng lên sức khoẻ con người là 150 Bq/m3. Mức giới hạn được nhiều nước ở Châu Âu công nhận là 200 Bq/m3. Cách tốt nhất bảo vệ sức khoẻ là tiến hành đo nồng độ radon trong mỗi gia đình.

Kết quả điều tra cho thấy, nồng độ khí radon có trong bức xạ tự nhiên trong nhà ở nước ta cao hơn mức công bố của thế giới. Tuy nhiên, nếu biết cách giảm thấp mức xạ một cách hợp lý sẽ giúp con người phòng tránh các rủi ro. 

Nồng độ bức xạ trong nhà cao

Theo một điều tra đánh giá của các chuyên gia thuộc Liên đoàn Vật lý địa chất và Hội địa – vật lý Việt Nam trên 54 đô thị trong cả nước về đo nồng độ khí radon trong không khí ngoài trời và trong nhà ở cho thấy: Tại 761 điểm khảo sát, nồng độ radon trong không khí dao động từ 1,0 – 37,9 Bq/m3 (trừ các vị trí gần dị thường phóng xạ radon); trong nhà ở dao động từ 5 – 406 Bq/m3. Trong đó, 13 ngôi nhà có mức nồng độ radon vượt quá mức giới hạn 150 Bq/m3.

Như vậy, theo công bố của thế giới, nồng độ radon trong không khí ở Việt Nam nằm ở mức trung bình, nhưng nồng độ radon trong nhà tương đối cao ví dụ như một số điểm của các địa phương: Hà Nội, Đà Nẵng, Điện Biên, Huế, Đồng Hới, Sầm Sơn (Thanh Hoá)… Cũng theo khảo sát này, nguyên nhân chủ yếu là điều kiện nhà ở quá chật chội, nhà thấp và không thông thoáng.

Còn theo TS Nguyễn Hào Quang – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật và Ứng phó sự cố (Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân), radon có thể được xem như là một nguồn phóng xạ tự nhiên có ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe của con người.

Trong đó, nồng độ radon trong nhà chiếm tới 95%. Nồng độ này phụ thuộc nhiều vào kiểu nhà, vật liệu xây dựng, nền địa chất nơi chọn xây dựng nhà ở.

Những ngôi nhà có mức nồng độ radon vượt mức giới hạn là loại có kiểu kiến trúc không thông thoáng, xây dựng bằng đá granit, nhà xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ cao như: Trên nền đá magma, trên các dị thường sa khoáng ven biển (ilmenit, titan…), trên các đứt gãy địa chất, hoặc vật liệu xây dựng nhà như gạch, ngói đốt bằng những loại than có hoạt độ phóng xạ cao…

Thường xuyên mở cửa, quạt thông gió

Theo các chuyên gia địa chất, các hạt alpha phát ra từ radon sẽ phá hủy các tế bào của cơ thể con người một khi nó được phát ra từ bên trong cơ thể. Mối nguy hiểm chính khi bị chiếu một liều radon cao là khả năng mắc phải căn bệnh ung thư phổi. Xác suất này tăng gấp 10 lần nếu kết hợp với việc hút thuốc lá.

Một trong những nguy cơ lớn nhất từ bức xạ tự nhiên chính là nồng độ khí radon có trong vật liệu xây dựng nhà ở. “Tuy nhiên, con người có thể chủ động hạn chế mức bức xạ chiếu lên người một cách hợp lý nhằm giảm nguy cơ bằng cách đo nồng độ radon”, TS Quang cho biết.

Trước hết, cần khảo sát, chọn địa điểm xây dựng trên nền địa chất có cường độ phóng xạ thấp. Chọn mẫu nhà có kiến trúc thông thoáng. Chọn vật liệu xây dựng nhà sạch về mặt phóng xạ.

Ở những ngôi nhà đã xây dựng có nồng độ radon cao trên mức giới hạn, để giảm nồng độ radon, cần thường xuyên mở cửa, quạt thông gió, hút bụi thường xuyên. Tránh ở lâu trong hầm kín, trong trường hợp bất khả kháng hầm phải có thông gió. Khi ra nắng nên bôi kem chống nắng, đi đường nên đeo khẩu trang. Không nên ở bãi biển có cát đen quá lâu…

Thu Hiền

HOANG-KIM-PHUC-Mo-hinh-lo-11

Việt Nam công bố thông tin cảnh báo phóng xạ hằng ngày

(TNO) Đây là thông tin được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) công bố ngày hôm nay 16.3 tại họp báo thông báo về sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (Nhật Bản) do hậu quả của trận động đất và sóng thần ngày 11.3.

Lập tổ công tác theo dõi sự cố hạt nhân

Theo thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, ngay sau khi xảy ra sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, Bộ KH-CN đã quyết định thành lập Tổ công tác bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia của Bộ để thường xuyên theo dõi diễn biến sự cố, trực tiếp trao đổi với đại diện Công ty phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam, các chuyên gia quốc tế và trong nước để kịp thời nắm bắt, xử lý thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin cho các ngành, các cấp và xã hội kịp thời và chính xác về sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I.

Trước dư luận khác nhau về những ảnh hưởng đến Việt Nam sau sự cố nổ liên tiếp các lò phản ứng hạt nhân tại Nhật Bản, từ hôm nay 16.3, vào 18 giờ hằng ngày, các thông tin cảnh báo cũng như diễn biến của sự cố hạt nhân Nhật Bản sẽ các chuyên gia của tổ công tác cập nhật tại website của Bộ KH-CN: www.most.gov.vn; website của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân: www.varans.vn; và website Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam: www.http://www.vaec.gov.vn để người dân quan tâm có thể theo dõi.

Cũng theo thông báo của Bộ KH-CN, theo đánh giá của NISA, cho đến nay sự cố hạt nhân tại Nhà máy Fukushima I là ở mức 4 (tai nạn với hậu quả cục bộ) theo thang sự cố quốc tế INES, cao nhất là mức 7 (thảm họa Chernobyl ở Liên Xô cũ, năm 1986, được đánh giá ở mức 7; tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ, năm 1979, được đánh giá ở mức 5).

Nguyên nhân vụ nổ: Do không có hệ thống an toàn tự động

Về nguyên nhân vụ nổ, PGS.TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, nhà máy số 1 và 3 nổ là do trong không khí kết hợp với hydro sinh ra trong vùng hoạt do hiện tượng oxy hóa zirconi (vỏ thanh nhiên liệu), vụ nổ đã phá vỡ phần tường và mái bê tông của nhà lò phản ứng. Đây là các vụ nổ khí hydro. Tuy nhiên vụ nổ không làm ảnh hưởng đến kết cấu của nhà bảo vệ lò bằng bê tông cốt thép dày trên 1m và lớp thép dày 3 cm, thùng lò áp lực bằng thép dày 15 cm.

PGS.TS Vương Hữu Tấn cho biết: “Sơ bộ có thể thấy rằng, thiết kế của tòa nhà lò phản ứng của Nhật Bản là tương đối tốt, chịu được động đất lớn đến 9 độ Richter và sóng thần. Song điểm yếu của hệ thống giải nhiệt dư của nhà máy Fukushima vẫn là sử dụng nguyên lý an toàn chủ động (active safety features), tức là hệ thống làm nguội lò phản ứng phải sử dụng nguồn năng lượng điện từ máy phát diezel trong trường hợp khẩn cấp. Những nhà máy này được xây dựng vào những năm 1960 và 1970 thuộc thế hệ thứ 2, cho nên nguyên lý an toàn thụ động chưa được áp dụng”.

Nguyên nhân nổ ở tổ máy số 2 và số 4 còn đang được điều tra. Các vụ nổ và cháy này chưa ảnh hưởng đến kết cấu các lớp bảo vệ an toàn của lò.

Quan trắc phóng xạ chưa phát hiện bất thường

TS Đặng Thanh Lương, Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH-CN) cho hay, các trạm quan trắc của Việt Nam đo 24 giờ/7 ngày, chưa phát hiện có sự bất thường. Ngoài ra, Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và Viện kỹ thuật hạt nhân đo độ phóng xạ trong không khí, các số liệu mẫu cho thấy lãnh thổ Việt Nam chưa bị ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân.

Theo tính toán của các chuyên gia khí tượng quốc tế, đám mây phóng xạ bay theo hướng Đông Bắc của Nhật Bản theo hướng gió ra ngoài biển. Dự báo tính đến ngày 18.3, tất cả đám mây phóng xạ bay phần lớn theo hướng Đông Bắc ra ngoài biển và chắc chắn không bay sang Việt Nam.

Thứ trưởng Lê Đình Tiến cho biết, ngày 15.3, Bộ KH-CN đã có báo cáo Chính phủ và các cơ quan chức năng về toàn bộ sự cố xảy ra tại nhà máy điện Fukushima 1 của Nhật Bản. Thứ trưởng Lê Đình Tiến nhấn mạnh: “Việt Nam đang bắt đầu chương trình điện hạt nhân. Những thông tin, đánh giá về sự cố điện hạt nhân sẽ là cơ sở cho các cấp lãnh đạo có thẩm quyền sau này có phương hướng, định hướng đúng đắn cho việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam”.

 

Mô hình nhà lò phản ứng của kiểu Fukushima Daiichi 1

Thang sự kiện hạt nhân quốc tế

Để giúp người dân kịp thời hiểu đúng hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của một sự kiện hạt nhân, Bộ KH-CN công bố Thang sự kiện hạt nhân quốc tế (INES) được áp dụng cho mọi cơ sở hạt nhân, như các cơ sở xử lý nhiên liệu, các cơ sở quân sự, các nhà máy điện hạt nhân.

Trong thang sự kiện INES, các sự kiện hạt nhân được phân loại theo mức độ ảnh hưởng từ thấp đến cao (từ mức 0 đến mức 7), kèm theo là các giải thích để làm rõ các thuật ngữ dùng trong các sự kiện khác nhau.

Mức 0 – Sự khác biệt chút ít: Không đáng kể về an toàn

Mức 1 – Bất thường: Vượt quá chế độ vận hành được phép

Mức 2 – Sự cố: Nhiễm xạ lan truyền đáng kể / Công nhân bị nhiễm xạ quá liều

Mức 3 – Sự cố nghiêm trọng: Nhiễm xạ lan truyền nặng / Ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ công nhân

Mức 4 – Tai nạn không gây hậu quả đáng kể ra ngoài: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại đáng kể / công nhân bị nhiễm xạ nguy kịch / hoặc dân chúng bị nhiễm xạ ở mức giới hạn quy định

Mức 5 – Tai nạn gây hậu quả ra ngoài cơ sở: Vùng hoạt lò phản ứng / các lớp bảo vệ bị hư hại nghiêm trọng / hoặc thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức hạn chế: cần thực hiện một phần các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 6 – Tai nạn nghiêm trọng: Thoát phóng xạ ra ngoài cơ sở ở mức đáng kể: cần thực hiện đầy đủ các biện pháp khắc phục đã dự kiến

Mức 7 – Tai nạn rất nghiêm trọng: Thoát phóng xạ nhiều: ảnh hưởng sức khoẻ và môi trường ở phạm vi rộng.